Số liệu từ CIES chỉ ra, chi tiêu ròng của Man United, bao gồm cả tiền bán cầu thủ, doanh thu, ở mức đáng kinh ngạc là 1,2 tỷ bảng, kể từ khi HLV Louis van Gaal được bổ nhiệm vào mùa hè năm 2014. Đại diện thành Manchester trở thành CLB duy nhất trên thế giới đã chi tiêu ròng hơn 1 tỷ bảng trên thị trường chuyển nhượng trong một thập kỷ qua, vượt qua cả gã nhà giàu Chelsea. 

Tuy nhiên, thành công của Man United trong khoảng thời gian này lại không tỉ lệ thuận với số tiền mà CLB đã bỏ ra. Thống kê từ CIES cho biết, Quỷ đỏ đã mang về 5 HLV, 54 bản hợp đồng mới, nhưng đổi lại thành tích CLB giành được là quá ít ỏi- chỉ 1 chức vô địch Europa League, 1 FA Cup và 2 League Cup. Chứng kiến sự thua lỗ trên thị trường chuyển nhượng của Man United, nhiều người đã thốt lên rằng: “Nếu coi bóng đá là một công việc kinh doanh, có lẽ đội chủ sân Old Trafford đã phá sản từ lâu bởi cách làm ăn như vậy”.

Từ lâu, Man United luôn bị coi là “kẻ khờ khạo” trên các phiên chợ chuyển nhượng, với liên tiếp các thương vụ mua hớ. Những bản hợp đồng mua hớ tiêu biểu của Qủy đỏ trong 10 năm qua có thể kể đến như Harry Maguire, Anthony Martial, Fred, Lukaku, Jadon Sancho, Antony và cái tên mới nhất là Rasmus Hojlund. Man United đã chi tới 80 triệu bảng để biến Maguire thành trung vệ đắt giá nhất lịch sử, 73 triệu bảng cho Jadon Sancho, 60 triệu euro để có Anthony Martial hay 100 triệu euro cho Antony, nhưng những đóng góp của họ đều kém rất xa mức kỳ vọng. 

Theo số liệu từ CIES, Chelsea đứng thứ hai trong danh sách này với mức chi tiêu ròng đạt 885 triệu bảng, trong đó chỉ tính riêng trong năm 2023, con số này của The Blues đã là 558 triệu bảng. Một thống kê đáng buồn với giải đấu số 1 xứ sương mù, đó là trong số 10 CLB chi tiêu ròng nhiều nhất kể từ năm 2014 thì có đến 7 cái tên thuộc Premier League. Arsenal đứng thứ 4 với mức chi tiêu ròng đạt 747.8 triệu bảng, theo sau là Man City (734 triệu bảng) và Newcastle (575.4 triệu bảng), trong khi Tottenham (522.2 triệu bảng) đứng thứ 8 và West Ham (451.1 triệu bảng) xếp thứ 10.