Không phải đợi đến khi HLV Hoàng Anh Tuấn từ chức vì U18 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng giải vô địch Đông Nam Á, chúng ta mới có bài học nhãn tiền về bóng đá trẻ. Điều này đã được ông Park Hang-seo nhắc đến ngay sau kỳ tích Thường Châu.

Điều kỳ lạ là chính trong thời điểm bóng đá trẻ Việt Nam đang ở trên mây với ngôi á quân U23 châu Á, HLV người Hàn Quốc đã ngay lập tức trở về thực tại. Trong một vài cuộc phỏng vấn đầy hương vị say nồng, ông đã cảnh báo các nhà chuyên môn rằng đó mới chỉ là thành công mang tính thời điểm của bóng đá trẻ, còn tương lai chỉ được đảm bảo nếu có sự ổn định và kế thừa.

“Thày đồ già, con hát trẻ” – các cụ ta đúc kết chẳng lệch câu nào. Với kinh nghiệm dày dạn của một nhà cầm quân đã trải qua biết bao chìm nổi, ông Park thừa hiểu lứa U23 của Thường Châu (trong đó có đóng góp không nhỏ của tuyển U19 vừa dự World Cup U20) không phải, và không thể là đẳng cấp thật của cả một nền bóng đá về cơ bản là yếu kém và thiếu tích luỹ từ trước đó. Nó là điểm sáng!

Đội hình U23 ấy về sau trở thành nòng cốt cho tuyển Việt Nam, và chúng ta liên tiếp có được những trang sử mới trong 2 năm trở lại đây. Chúng ta thành một đội khó chịu ở tầm châu lục, chúng ta cũng khẳng định vị thế của mình ở Đông Nam Á, và lúc này đang hướng đến World Cup với những hy vọng đầy tươi mới.

Nhưng đội bóng của thầy Park, nhìn nhận một cách công bằng, vẫn là một tập thể được xây dựng bởi những nhân tố đã “chín rất kỹ” từ công đào tạo của bầu Đức, bầu Hiển, cộng thêm một vài gương mặt do ông Park “nhặt” về từ các giải đấu quốc nội. Tập thể ấy ưu tú và còn có thể cống hiến một thời gian nữa, nhưng không phải ở thời nào chúng ta cũng có đủ may mắn để có những con người như thế.

Ngay bây giờ, U23 gánh trọng trách Vàng SEA Games cuối năm nay đã có một khoảng chênh lệch không hề nhỏ so với U23 của Thường Châu. Đấy là lý do vì sao suốt nhiều tháng qua, ông Park và các cộng sự người Hàn liên tục phải lên danh sách những đợt tập trung ngắn ngày để “gạn đục khơi trong”, tìm thêm những nhân tố… tàm tạm để làm dày thêm lực lượng.

Và từ U23 quay trở về U18 thì những vấn đề cố hữu của bóng đá Việt Nam đã thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Chúng ta, vào một thời điểm không may mắn, đã không có được lực lượng đủ tốt, tinh thần đủ mạnh, để rồi bị những gáo nước lạnh như trận thua U18 Campuchia làm tê liệt hết mọi niềm tự hào trước đó.

HLV Hoàng Anh Tuấn nói rằng ông chẳng có gì để bào chữa cho thất bại. Nhưng công bằng mà nói, U18 phải gánh thứ áp lực vô hình từ đòi hỏi của những người hâm mộ đã quen với chất lượng của những đội bóng được chèo lái bởi tay thầy Park. Các cầu thủ trẻ khi bị đẩy vào thế khó đã bộc lộ nhược điểm thường thấy như vội vã, dứt điểm kém, thiếu quyết đoán, hay mắc sai lầm…

Ông Tuấn “con” - người hùng đưa U19 đi World Cup, đã bẽ bàng từ chức. Một số kẻ hả hê, một số người thông cảm. Nhưng có bao nhiêu người nhớ đến cái mốc tháng 10 năm 2016, nhà cầm quân Khánh Hoà - trong sự bàng quan của dư luận, trong sự thờ ơ của chính VFF, lại dẫn lứa học trò buồn buồn tủi tủi của mình làm nên lịch sử?

Bóng đá trẻ là thế, lứa trước lứa sau khác nhau như mặt trăng mặt trời là chuyện thường tình. Ở những quốc gia bóng đá phát triển như Đức, Anh, Tây Ban Nha, nơi nhân tài mọc lên hàng ngày, hàng giờ trong các lò đào tạo, người ta cũng không thể đảm bảo các lứa U có trình độ đều tăm tắp.

U18 Việt Nam thất bại: ông Park Hang-seo đã cảnh báo từ lâu

Thế nên mới có chuyện U15 Đông Timor vừa khiến cả khu vực phải sững sờ với những chiến thắng như chẻ tre trước các bạn cùng lứa Singapore, Philippines, Myanmar…

Nhìn lại phía sau, có lẽ chính thầy Park cũng chẳng thể lạc quan với nền móng trẻ. Điều ông cảnh báo sau VCK U23 châu Á không được ai để ý. Tất cả cùng phiêu và lãng theo những chiến công của đội tuyển, mà bẵng đi sự đầu tư cho tuyến kế cận.

Sự thật là chỉ vài năm nữa, chính những “nạn nhân U18” bị dư luận ném đá hôm nay sẽ lại phải đi tìm Vàng SEA Games, đi chinh phục những AFF Cup mới, và không biết chừng, lại nối tiếp hành trình mơ về World Cup. Thế thì, hãy coi thất bại ở một giải trẻ là điều gì đó nhẹ nhàng đi, để các em còn lớn, còn niềm tin và còn khao khát.